TĂNG CƯỜNG PHỐI HỢP VỚI GIA ĐÌNH HỌC SINH TÌM HIỂU
CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH NGHIỆN GAME ONLINE Ở LỨA TUỔI HỌC SINH THCS
Cùng với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, đời sống vật chất và tinh thần của con người ngày càng được nâng cao. Bên cạnh những nhu cầu về ăn mặc, sinh hoạt thì nhu cầu giải trí của con người cũng tăng lên. Và để đáp ứng điều này, vô số trò chơi tiêu khiển đã ra đời. Nhưng đáng buồn thay, những trò chơi dân gian bổ ích và đậm đà bản sắc dân tộc lại mai một, rồi dần dần có nguy cơ biến mất, thay vào đó là sự bùng nổ và phát triển vượt ngoài tầm kiểm soát của trò chơi điện tử. Thực trạng này đã gây ra rất nhiều hậu quả và hệ lụy bởi việc lạm dụng trò chơi điện tử và lún sâu vào thế giới ảo.
Chính vì thế việc tuyên truyền về tác hại và tìm ra các biện pháp phòng, tránh nghiện game online là rất cần thiết nhất là đối với học sinh THCS. Để việc phối hợp với gia đình học sinh mang lại hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền, cần thực hiện tốt các nội dung sau:
Những nguyên nhân dẫn đến nghiện game online thì khó có thể nói hết, có thể phụ thuộc vào từng cá nhân và nhiều yếu tố khác. Sau đây là một số nguyên nhân chính có thể dẫn đến nghiện game của giới trẻ hiện nay mà nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu được:
- Sự hấp dẫn vốn có của game online: Các nhà cung cấp game hiện nay có thể nói là rất “tâm lý” khi thiết kế các game, nó đánh trúng vào tâm lý của giới trẻ cũng như đáp ứng nhu cầu của họ. Vì vậy cũng không quá khó hiểu khi giới trẻ bị cuốn hút vào game online, bởi quả thật những trò chơi này quá hấp dẫn, hơn hẳn cuộc sống thực tế của chúng ta.
- Nghiện do tập nhiễm: Trẻ em sống trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, nếu ngay từ nhỏ chúng đã thấy bố mẹ hay những người lớn trong gia đình chơi game, dần dần chúng sẽ xem chơi game như một việc tốt và chúng bị nghiện game từ rất nhỏ là khó tránh khỏi.
- Xung đột tâm lý: Khi đến tuổi dậy thì, cơ thể các bạn trẻ sẽ có những thay đổi về tâm sinh lý, các bạn muốn trở thành người lớn, muốn khẳng định mình, muốn được người lớn tôn trọng. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng của đời sống hiện đại, nếu như bố mẹ không quan tâm đến điều đó, hay như bố mẹ vì những áp lực trong cuộc sống, giáo dục con cái không đúng cách, giáo dục bằng roi vọt, hoặc thể hiện sự yêu thương bằng sự áp đặt. Những điều đó đều khiến các bạn trẻ cảm thấy cô đơn, bất mãn hay thậm chí cảm thấy mình thật vô dụng. Các bạn không tìm được cách chia sẻ cảm xúc, thêm với việc các bạn được tiếp xúc với công nghệ thông tin rất sớm nên rất dễ sa vào các cạm bẫy, và trong đó có game online. Vì khi ở trong game, các bạn tìm được cảm giác được coi trọng, cảm giác mình được ở vị trí trung tâm.
- Thiếu địa điểm vui chơi cho trẻ em: Các địa điểm vui chơi dành cho trẻ em, ngay cả ở các thành phố lớn vẫn còn thiếu. Các địa điểm thật sự bổ ích và phù hợp lại càng thiếu. Do vậy, các bạn trẻ tìm kiếm các hình thức giải trí trên Internet và dần sa vào game.
- Sự yếu kém của cá nhân trong cuộc sống thực tế: Một bộ phận giới trẻ sa vào game online do những bất lực của họ trong thực tế. Có một bộ phận không được coi trọng trong thực tế, xong trong game, họ lại được xếp vào bậc “đại ca”, họ chơi game như một cách để khẳng định mình - cái mà họ không thể làm được trong thực tế. Cũng có một bộ phận vì những biến cố lớn trong cuộc sống, không thể tự cân bằng, 13 họ lại lao vào game như một cách để giải tỏa. Dần dần, họ lệ thuộc dần vào game và nghiện lúc nào không hay biết.
- Do môi trường xung quanh: Môi trường xung quanh cũng có ảnh hưởng rất lớn tới nhận thức của giới trẻ. Nếu trong môi trường của họ có những yếu tố độc hại mà bản thân họ lại không tự làm chủ được chính mình, thì họ cũng có thể bị lôi kéo vào rất nhiều tệ nạn, chứ không riêng gì game online. Chúng tôi có một ví dụ như sau: Một cậu học sinh chưa bao giờ biết đến game, nhưng đến khi cậu học cao lên, bạn bè của cậu lại chơi game rất nhiều, cậu cũng tò mò xem game có gì mà bạn bè mình lại say mê đến thế, và rồi cậu tò mò chơi thử, và cũng thành nghiện.
- Chơi game có thưởng: Trò chơi trực tuyến là trò chơi đóng vai và có thể trò chuyện, biểu đạt hành động của cá nhân một cách tương tác với người khác. Chính vì chức năng ứng dụng với sự tương tác cao đó làm cho những người tham gia cảm thấy hứng thú, có thể chia sẻ thông tin, tình cảm và được tôn trọng. Bên cạnh đó những phần thưởng trong trò chơi cũng tạo ra sự hứng thú kì lạ, người chơi được thưởng các phần thưởng ảo làm họ thấy say mê và thậm chí được tôn vinh và người khác tôn trọng, nhất là đối với các bạn nam mới lớn, rất thích chinh phục. Như vậy chúng ta thấy thực trạng nghiện game trong giới trẻ mà nhất là học sinh hiện nay là một hiện tượng có nguyên nhân từ nhiều yếu tố tâm lý, sinh lý và xã hội, gia đình. Chính vì thế việc giải quyết tình trạng nghiện game online cần một hệ thống nhiều giải pháp chứ không chỉ đơn lẻ là tác động đến nhận thức của học sinh. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nhận ra là việc phòng ngừa nghiện game online là việc làm cấp thiết hơn khi mà các em đã nghiện.
Được so sánh tương tự với việc nghiện ma túy, chứng nghiện game online được các nhà khoa học xem xét đưa vào một trong những loại bệnh lý tâm thần. Nguyên nhân là do chơi game online quá lâu trong thời gian dài sẽ dẫn đến nhiều tác hại cả về sức khỏe lẫn tinh thần, gây rối loạn tâm sinh lý.
Hơn thế nữa, việc tâm lý của người chơi game bị ảnh hưởng, dễ dẫn đến các hành vi lệch lạc, bạo lực như giết người, cướp của… đã diễn ra trong thời gian vừa qua mà thủ phạm là các game thủ tuổi đời còn rất trẻ.
Ngày nay, trong giới học sinh, sinh viên cũng như tất cả mọi người, game đã quá quen thuộc, nó đã trở thành một thú vui tiêu khiển giết thời gian cực kì hấp dẫn. Cùng với sự phát triển tốc độ chóng mặt của nó đã làm nhiều người phải kinh ngạc, kéo theo đó là những tác hại mà nó gây ra khiến các bậc phụ huynh không thể bỏ qua:
- Về thời gian: Người nghiện game dành quá nhiều thời gian của mình vào việc chơi game, sao nhãng các công việc khác như học tập, làm việc, tập luyện… Ngồi quá nhiều trước máy tính quên cả ăn uống điều độ, không vận động khiến cơ thể suy nhược, thậm chí tử vong.
- Về tâm sinh lí: Các bạn học sinh nghiện game online dẫn đến chứng loạn thần, từ đó trở nên thích bạo lực, đánh đấm, nghiện sex, chém giết,… Ở một số nơi trên thế giới đã có nhiều vụ xả súng giết người hàng loạt hay phá hoại, trộm cướp,.. vì muốn bắt chước nhân vật trong game. Tiếp xúc với các game có xu hướng gợi dục quá nhiều, một số học sinh, sinh viên khi nhập viện đã có biểu hiện lệch lạc về sinh lí, trong đó không ít những bệnh nhân là học sinh nữ. Cũng vì thế mà giới trẻ hiện nay không ngại văng những câu tục tĩu kể cả khi đang ở nơi công cộng. Điều này khiến người nước ngoài có một cái nhìn khác về người Việt Nam. Nó ảnh hưởng trực tiếp tới danh dự của cả một dân tộc. Ngoài ra do lười vận động nên những người nghiện game thường khá yếu, vật vờ. Đây cũng là một nguyên nhân làm suy thoái trầm trọng nguồn lao động của đất nước.
- Về tài chính: Người chơi game thường tiêu tốn rất nhiều tiền bạc của mình vào việc chơi game. Với 4000 đồng/1h chơi game ở quán net, chả mấy chốc mà tiền tiêu vặt, tiền ăn uống,... cũng lần lượt ra đi. Từ đó dẫn đến những hậu quả khó lường.
- Về an ninh xã hội: Gần đây ở Việt Nam càng ngày càng xuất hiện nhiều vụ cướp của, giết người, đánh nhau vì game online. Ở nước ngoài cũng có không ít các trường hợp như vậy. Đây là một sự thực đáng báo động bởi nó đã vượt qua những chuẩn mực mà xã hội có thể chấp nhận, gây ra những nỗi đau và cấu thành hành vi phạm tội
3. Các biện pháp cần thực hiện để phòng tránh nghiện game online cho học sinh THCS.
Về phía gia đình: Gia đình cần định hướng tốt cho học sinh việc sử dụng hợp lý internet cũng như game online, tránh rơi vào tình trạng sử dụng quá mức, đặc biệt là với các học sinh nam. Mặt khác, các bậc cha mẹ cũng cần quan tâm và chia sẻ với con cái nhiều hơn. Như vậy không những tránh được game online và nhiều tệ nạn xã hội khác mà còn xây dựng được một gia đình hòa thuận, hạnh phúc.
Về phía nhà trường : Thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục, các trò chơi lành mạnh mà hấp dẫn, bổ ích cho học sinh trong các giờ học. Tổ chức ngoại khóa tìm hiểu về cách khai thác thông tin hiệu quả từ internet để phục vụ cho học tập, cách sử dụng game online hợp lí và tác hại của việc nghiện game online. Trong một số dịp thích hợp có thể mời một số người từng nghiện game đến trường nói chuyện với các bạn học sinh về tác hại khi quá say mê game online. Hàng tuần hoặc hàng tháng, tổ chức các hoạt động thi đấu các trò chơi thể thao trong phạm vi trường học, giới thiệu các trò chơi mang tính giáo dục và khuyến khích học sinh tham gia chơi, từ từ giúp học sinh nhận thức được tác hại của việc chơi game quá nhiều, nhất là chơi các trò mang tính bạo lực. Ngoài ra, trong tiết chào cờ đầu tuần, phân công lớp trực tuần tìm hiểu để giới thiệu các cuốn sách hay, những trang web thông tin khoa học - giải trí lí thú về nhiều chủ đề khác nhau với học sinh, để học sinh biết những địa chỉ nên truy cập, dần tránh xa những trang web xấu cũng như các trang game online. Với những lớp có học sinh nghiện game online, các thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm cần quan tâm, chú ý theo dõi tình hình học tập của học sinh, phối hợp với gia đình để quản lí học sinh thật tốt. Bạn bè cùng lớp cũng nên giúp đỡ bạn mình cai nghiện game online.
Về phía xã hội: Phải chăng giới trẻ hiện nay nghiện game do thiếu các địa điểm vui chơi lành mạnh? Ngay cả ở các thành phố lớn, chúng ta cũng rất khó tìm được một địa điểm vui chơi cho trẻ em ở độ tuổi Trung học, mà nếu có thì cũng chẳng mấy hấp dẫn. Để thu hút được giới trẻ thì nhất thiết làm làm cho họ hứng thú, đó phải là những thứ họ chưa biết hay là nó liên quan phần nào đến cuộc sống của họ. Có những nơi vui chơi giải trí lành mạnh ngoài thế giới thực, rất có thể người nghiện game có thể thoát ra khỏi thế giới ảo.
| Noong Luống, ngày 10 tháng 5 năm 2021 Phạm Thị Huế Giáo viên trường THCS xã Noong Luống, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên
|
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn