TĂNG CƯỜNG PHỐI HỢP VỚI GIA ĐÌNH HỌC SINH TRONG DẠY HỌC Ở TRƯỜNG THCS XÃ NOONG LUỐNG

Thứ tư - 28/04/2021 00:00

TĂNG CƯỜNG PHỐI HỢP VỚI GIA ĐÌNH HỌC SINH TRONG DẠY HỌC Ở TRƯỜNG THCS XÃ NOONG LUỐNG

TĂNG CƯỜNG PHỐI HỢP VỚI GIA ĐÌNH HỌC SINH TRONG DẠY HỌC Ở TRƯỜNG THCS XÃ NOONG LUỐNG

TĂNG CƯỜNG PHỐI HỢP VỚI GIA ĐÌNH HỌC SINH

TRONG DẠY HỌC Ở TRƯỜNG THCS XÃ NOONG LUỐNG

 

Trong những năm vừa qua nhà trường luôn quan tâm đến sự phối hợp giữa nhà trường gia đình và xã hội trong công tác dạy học, nhờ vậy mà chất lượng học tập và giáo dục học sinh đã có sự tiến bộ. Trong giai đoạn hiện nay, cùng với việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm  2018  đối với lớp 6 vào năm học 2021 - 2022 thì việc phối hợp giữa nhà trường, giáo viên với gia đình học sinh lại càng cần thiết hơn. Vì vậy, theo chúng tôi, để việc phối hợp với gia đình học sinh mang lại hiệu quả cao trong giáo dục toàn diện người học sinh, cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

          Thứ nhất là: Sự phối hợp và hỗ trợ của Ban giám hiệu, giáo viên bộ môn, tổng phụ trách Đội, tập thể giáo viên, nhân viên và các đoàn thể nhà trường.

Phải phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Ngành giáo dục, Ban giám hiệu, đoàn thể, kế hoạch của lớp, chi đoàn:  vào đầu năm học cần phổ biến và phân tích nội quy HS cùng các điều cấm để HS hiểu đúng và hiểu sâu.

          GVCN tổ chức thực hiện và thực hiện tốt các công việc liên quan đến lớp và HS do hiệu trưởng chỉ đạo hàng tuần, hàng tháng, học kì. 

          Thứ hai là: Thăm gia đình học sinh

Đây là hình thức phổ biến được sử dụng rộng rãi và có hiệu quả. Trong khi thăm hỏi gia đình, giáo viên chủ nhiệm có thể tìm hiểu cụ thể hoàn cảnh sống, lao động, học tập và tu dưỡng của học sinh, hiểu được sự giáo dục của gia đình; cùng gia đình kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình giáo dục.

          Khi trò chuyện với cha mẹ học sinh, giáo viên hiểu được tính cách, hứng thú và khuynh hướng của học sinh, đồng thời giáo viên chủ nhiệm cũng đem lại cho gia đình những lời khuyên về mặt sư phạm trong việc tổ chức công việc ở nhà, những hình thức và phương pháp rèn luyện đạo đức cho các em...

Qua đó, tạo ra và củng cố sự tin cậy lẫn nhau giữa hai bên. Nhờ vậy hiệu quả giáo dục học sinh sẽ được nâng cao.

          Tuy nhiên, những thông tin này phải được xử lý một cách cẩn thận và có hệ thống cùng với các thông tin khác về học sinh trong quá trình giáo dục, tuyệt đối không được hời hợt, chủ quan định kiến.

          Thứ ba là: Mời cha mẹ học sinh đến trường

Đây là biện pháp thường được hiệu trưởng hay giáo viên chủ nhiệm sử dụng trong trường hợp học sinh vi phạm kỷ luật học tập, vi phạm đạo đức ở mức độ trầm trọng.

Nhà trường có thể mời cha mẹ học sinh tới để thông báo tình hình, cùng cha mẹ học sinh tìm những biện pháp thích hợp để giáo dục học sinh có hiệu quả.

          Tuy nhiên, lưu ý việc mời cha mẹ học sinh tới trường về những thiếu sót của học sinh chỉ tiến hành trong những trường hợp thật cần thiết và nghiêm trọng.

Cần quan niệm rằng, việc mời cha mẹ học sinh tới trường còn để giúp họ hiểu rõ công việc giảng dạy và giáo dục của nhà trường và rèn luyện con cái họ.

Nhà trường phải biết huy động sự giúp đỡ của họ dưới nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với gia đình học sinh...

Những cuộc gặp gỡ với cha mẹ học sinh cho phép xây dựng mối quan hệ giữa gia đình - nhà trường ngày một thân thiết hơn; đồng thời ngăn ngừa được những thiếu sót trong học tập và đạo đức của học sinh.

Tuy nhiên không nên lợi dụng việc mời cha mẹ học sinh đến trường vì những mục đích riêng tư, đồng thời phải có thái độ đúng mực trong việc tiếp xúc đó.

          Thứ tư là: Tổ chức các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh của lớp

Cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh của lớp là biện pháp liên hệ rộng rãi nhất giữa giáo viên chủ nhiệm với cha mẹ học sinh và được sử dụng một cách phổ biến.

Đó là những cuộc họp được tổ chức theo định kỳ, tùy theo tình hình thực tế của địa phương, của nhà trường. Cuộc họp cha mẹ học sinh được tổ chức nhiều lần trong một năm học; tùy theo vị trí, tính chất của cuộc họp mà nội dung của chúng hướng vào những công việc chủ yếu khác nhau.

Mỗi năm học, nhà trường thường tổ chức ít nhất là 3 cuộc họp với toàn thể cha mẹ học sinh và Ban đại diện cha mẹ học sinh vào các thời kỳ: Đầu năm học, giữa năm học và cuối năm học.

Thực tiễn giáo dục đã chứng tỏ rằng, qua các cuộc họp, giáo viên chủ nhiệm có điều kiện thuận lợi tìm ra những biện pháp giáo dục tốt, động viên được cha mẹ học sinh tích cực, nhiệt tình tham gia giáo dục thế hệ trẻ; đồng thời giúp họ làm quen với khoa học giáo dục gia đình, nắm được ngày càng đầy đủ, sâu sắc và vận dụng khoa học này ngày càng có hiệu quả.

Vì vậy, trong công tác giáo dục học sinh cần tăng cường mở rộng việc sử dụng phương pháp này.

Để các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh có hiệu quả cao, giáo viên chủ nhiệm cần phải biết cách điều khiển cuộc họp.

Để điều khiển cuộc họp được, tốt giáo viên chủ nhiệm cần phải chuẩn bị cẩn thận, chu đáo, xác định mục tiêu của các cuộc họp một cách cụ thể, xây dựng nội dung họp thiết thực và phong phú, tránh tình trạng biến cuộc họp cha mẹ học sinh đơn thuần chỉ là một hình thức thông báo điểm .

Khi tiến hành các cuộc họp, giáo viên chủ nhiệm cần khéo léo, tế nhị, kích thích được tính tích cực của các bậc cha mẹ học sinh trong việc đề ra các biện pháp phối hợp với nhà trường, không được xúc phạm đến nhân cách học sinh, đến danh dự của các bậc cha mẹ học sinh.

Sau mỗi lần tổ chức cuộc họp cần tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm về nội dung và hình thức của lần họp đó để kỳ họp lần sau đạt kết quả tốt hơn.

          Thứ năm là: Sức mạnh của thư, điện thoại

Trao đổi thư từ, điện thoại với cha mẹ học sinh cũng là một hình thức phối hợp giữa gia đình và nhà trường.

Hình thức này được sử dụng để thông báo tình hình học tập, tu dưỡng đạo đức của học sinh giữa giáo viên chủ nhiệm và cha mẹ học sinh; đặc biệt là khi có những biến động đột xuất.

Hình thức này có tác dụng thông tin nhanh để xử lí kịp thời những sự việc cần giải quyết nhanh và đặc biệt có tác dụng đối với việc giáo dục học sinh cá biệt, bởi đó phương pháp phối hợp hành động giữa gia đình và nhà trường, là con đường để giáo viên chủ nhiệm, nhà trường phổ biến những kiến thức sư phạm về giáo dục tới gia đình một cách cụ thể và có hiệu quả.

          Thứ sáu là: Tổ chức Ban đại diện cha mẹ học sinh

Ban đại diện cha mẹ học sinh là một tổ chức quần chúng của cha mẹ học sinh được thành lập với sự tư vấn và hỗ trợ của nhà trường. Ban đại diện có vai trò to lớn trong việc liên kết với những tác động giáo dục của nhà trường , gia đình và xã hội.

Muốn phát huy tốt tác dụng của Ban đại diện cha mẹ học sinh, đòi hỏi giáo viên chủ nhiệm phải là người nắm vững phương pháp vận động quần chúng, biết vận động quần chúng, nhiệt tình, có uy tín đối với cha mẹ học sinh và học sinh.

Giáo viên chủ nhiệm phải là những người công tâm trong giáo dục, đánh giá khách quan, công bằng về quá trình rèn luyện, tu dưỡng và học tập của học sinh.

Mặt khác, những người đại diện cha mẹ học sinh phải có uy tín, gia đình hạnh phúc. Con em họ phải là người học tập tốt, có đạo đức và nhân cách, bản thân và gia đình họ là tấm gương cho người khác noi theo.

Cần hiểu rằng uy tín, kết quả hoạt động của Ban đại diện được duy trì không phải là luật pháp mà phụ thuộc vào uy tín, năng lực tổ chức hoạt động và phối hợp hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh và của giáo viên chủ nhiệm.

           

            Để thực hiện có hiệu quả các biện pháp trên, chúng tôi thiết nghĩ, các bậc phụ huynh học sinh cần thực hiện tốt các việc sau: Vấn đề học ở nhà là vấn đề không thể thiếu được cho sự tiến bộ của học sinh, sự quan tâm của gia đình và sự giáo dục là điều kiện tốt của con em thành đạt, muốn đạt được điều này phụ huynh phải thực sự quan tâm, nhắc nhở đến việc học tập của con em mình. Những học sinh ý thức và thái độ học tập chưa tốt, phụ huynh cần quản lý con em của mình ngoài giờ học cũng như các hoạt động giáo dục của nhà trường, nhắc nhở đi học đúng giờ, quan tâm quần áo chỉnh tề, nói năng thưa gửi, quan tâm đến sức khoẻ con em mình trước khi đến lớp, tạo điều kiện và nhắc nhở  tự học ở nhà từ 1 đến 2 giờ mỗi buổi, buổi tối  học từ 1 đến 2 giờ để hoàn thành các yêu cầu của các thầy cô ở trường, buổi sáng nhắc nhở thức dậy dò lại bài và chuẩn bị đầy đủ cặp sách và đồ dùng hoc tập đến trường, tạo tâm thế tốt cho các em trước khi vào học. Về học tập các bộ môn, phụ huynh cũng cần trao đổi trực tiếp với giáo viên giảng dạy để sâu sát hơn tình hình học tập của con em mình và có  biện pháp cụ thể, kịp thời đối với từng môn học để đạt kết quả tốt.

          Bên cạnh đó, người giáo viên cần có những chương trình bồi dưỡng giáo viên về giáo dục đạo đức học sinh. Giáo dục học sinh bị khiếm khuyết về mặt thể chất hoặc trí tuệ giúp giáo viên có thêm hiểu biết và kinh nghiệm hơn trong giảng dạy và giáo dục học sinh. Trang bị thêm cho giáo viên những kiến thức mới về tâm lý giáo dục. Tham dự những lớp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh nhằm bổ sung năng lực sư phạm.

            Tóm lại, xuất phát từ vai trò trách nhiệm chung vì học sinh đòi hỏi mỗi giáo viên chủ nhiệm, giáo viên giảng dạy phải giàu lòng nhân ái, vị tha, kiên trì, nhiệt tình, biết tôn trọng nhân cách học sinh và được các em tin yêu. Giáo viên chủ nhiệm cần  phối hợp với giáo viên bộ môn để xử lý kịp thời các tình huống sư phạm đa dạng, giáo dục ý thức và thái độ học tập cho học sinh; là người chịu trách nhiệm về sự phát triển toàn diện của học sinh lớp mình chủ nhiệm và giảng dạy. Hoạt động của giáo viên chủ nhiệm về bản chất là một trong những hoạt động năng động và sáng tạo nhất trong quá trình dạy học, xây dựng kế hoạch giáo dục riêng để giáo dục tập thể học sinh lớp mình; biết tìm hiểu, nghiên cứu đối tượng để xây dựng kế hoạch phát triển tập thể học sinh, tạo nên sự đoàn kết thống nhất trong lớp, tạo điều kiện để phát huy ý thức tính tích cực của học sinh, kết hợp giáo viên bộ môn xây dựng lớp học có chất lượng tốt đáp ứng sự mong mỏi của phụ huynh và xã hội./.

                     

 

Noong Luống, ngày 26 tháng 4 năm 2021

Đỗ Vũ Hưng – Nguyễn Thị Tỉnh

Giáo viên trường THCS xã Noong Luống, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên

 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

licham.net

- Click vào nút hiển thị ngày trong tuần hoặc tháng âm lịch để xem chi tiết

- Màu đỏ: Ngày tốt

- Xanh lá: Đầu tháng âm lịch

- Màu vàng: Ngày hiện tại

QUẢN LÝ THÀNH VIÊN
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập385
  • Máy chủ tìm kiếm36
  • Khách viếng thăm349
  • Hôm nay543
  • Tháng hiện tại3,247
  • Tổng lượt truy cập1,150,958
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi